Bộ Công Thương triển khai kế hoạch năm 2011

Thanh Hương-Kim Liên- Hoàng Châu-Thùy Linh

02:17 CH @ Thứ Sáu - 07 Tháng Giêng, 2011

Cập nhật: 8:15:00 7/1/2011

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Đúng 7 giờ 30 giờ sáng nay (7/1/2011), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai công tác toàn ngành công thương năm 2011. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đến tham dự và chỉ đạo hội nghị. Báo Công Thương điện tử cập nhật trực tiếp từ hội nghị.

CôngThương - Về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các Thứ trưởng: Lê Danh Vĩnh, Nguyễn Thành Biên, Nguyễn Cẩm Tú, Hồ Thị Kim Thoa, Trần Tuấn Anh, Trần Quốc Khánh.

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lãnh đạo các cục, vụ, viện; Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đảng ủy khối công nghiệp thành phố Hà Nội, Đảng ủy khối DN công nghiệp Trung ương và Đảng ủy khối DN thương mại Trung ương tại TP.HCM, lãnh đạo các sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các DN trực thuộc Bộ và một số doanh nghiệp thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Năm 2010- sản xuất và thương mại tăng trưởng mạnh

Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 của ngành công thương.

Đánh giá về tình hình năm 2010, Thứ trưởng cho biết, năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 và cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự ổn định, khả năng tái lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, nhập siêu còn lớn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp…

Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhờ có sự đồng thuận và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp, nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Xuất khẩu tiếp tục tăng. Tốc độ tăng GDP năm 2010 ước đạt 6,7%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% (riêng công nghiệp tăng khoảng 6,9%). Đến cuối năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 41,1% (trong đó riêng công nghiệp chiếm 34,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,0% so với năm 2009.

Năm 2010, lĩnh vực công nghiệp đã tận dụng được tốt những thuận lợi khách quan mang lại là sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế thế giới, đã đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng của ngành, vượt mức kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, tăng 2 điểm % so với kế hoạch là 12%; giá trị gia tăng của ngành tăng 6,93%, tăng 1,23 điểm % so với kế hoạch đề ra là 5,7%. Cơ cấu nội bộ công nghiệp đã có bước chuyển dịch khá tích cực với tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tác tăng dần, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm dần.

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị

Đã sản xuất, cung ứng đảm bảo nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng của nhân dân, đồng thời có đóng góp lớn vào xuất khẩu của cả nước. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được thực hiện và một số đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Về tình hình phát triển thị trường trong nước, Thứ trưởng đánh giá: năm 2010 được đánh giá là năm thị trường trong nước có những bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, về các khu công nghiệp, các đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng ổn định giá... Thị trường miền núi, hải đảo được bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa,... Nhờ đó, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu được bảo đảm, một số biểu hiện “sốt hàng” đã kịp thời được can thiệp nên thị trường đã bình ổn nhanh trở lại.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 1.561,6 ngàn tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009. Đây là mức tăng khá cao, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng gần 13%. Trong đó, kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 86% giá trị lưu chuyển. Các thành phần kinh tế khác đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, song tỷ trọng còn hạn chế, chưa có sự chuyển dịch đáng kể.

Trong năm, nhằm bình ổn và kiểm soát thị trường trong nước, các đơn vị quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm soát các phương án giá và mức giá hàng hoá, dịch vụ; rà soát năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng; kiểm tra các doanh nghiệp tham gia thực hiện bình ổn giá...

Bộ cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Tổ chức giám sát kiểm tra nhằm phát hiện các biểu hiện của hành vi đầu cơ; kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng; tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường để tăng giá, ép giá. Kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại về giá nhằm thu lợi bất chính trong lĩnh vực đo lường, chất lượng, đóng gói và ghi nhãn hàng hoá. Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo chất lượng sau công bố...

Về xuất nhập khẩu, báo cáo đánh giá: Năm 2010, tốc độ tăng xuất khẩu đã cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (KNXK) năm 2010 đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và tăng 18% so với kế hoạch (kế hoạch là 60,54 tỷ USD). Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng xuất khẩu và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt khoảng 38,8 tỷ USD, chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 27,8%, nếu trừ dầu thô đạt khoảng 33,8 tỷ USD, tăng 40,1% so với năm 2009; khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt khoảng 32,8 tỷ USD, chiếm 46%, tăng 22,7%, so với năm 2008.

Về nhập khẩu, với nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hoặc trong nước đã sản xuất được, nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2009, mặc dù một số mặt hàng vẫn còn có mức nhập khẩu cao. Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá năm 2010 khoảng 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2009, trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 36,4 tỷ USD, chiếm 43% tổng KNNK cả nước, tăng 39,9%; kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 47,5 tỷ USD, chiếm 56%, tăng 8,3% so với năm 2009 (Phụ lục ...).

Một số mặt hàng nhập khẩu tính được về lượng, do lượng NK giảm đã làm giảm hơn 2,1 tỷ USD nhập khẩu, tuy nhiên do giá nhập khẩu tăng đã làm NK tăng lên hơn 5,1 tỷ USD, bù trừ giữa tăng giá và giảm lượng của những mặt hàng tính được này cũng đã làm tăng KNNK lên 2,98 tỷ USD.

Năm 2011- quyết liệt triển khai các giải pháp

Năm 2011 và giai đoạn tới, dự báo nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp một số khó khăn, để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã đặt ra một số mục tiêu phát sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2011 và 5 năm 2011:

Để góp phần đạt nhịp đội tăng trưởng GDP của cả nước năm 2011 đề ra từ 7 – 7,5%, ngành công thương phấn đấu đạt: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,8%; giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 7,1-8% so với thực hiện năm 2010. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 10%. Nhập khẩu hàng hóa tăng 10,7% so với 2010, nhập siêu dự kiến khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khoảng 25% so với 2010, hàng hóa, dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đề ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch năm 2011:

Áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền, gắn với đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm nhập siêu. Bảo đảm các cân đối lớn về hàng hóa do ngành chịu trách nhiệm, gắn với định hướng tiêu dùng.

Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý như điện, than theo cơ chế thị trường, theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm; phát triển , hoàn thiện hệ thống phân phối, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, sữa, xăng dầu, phân bón, sắt thép.

Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực ngành công thương, của từng doanh nghiệp trong ngành, theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn.

Có biện pháp thật cụ thể, chỉ đạo thật quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch; thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát điện năng ỏ các địa phương; phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, triển khai tích cực các cơ chế, chính sách khuyên khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu. Đổi mới cơ cấu và chính sách thu hút FDI, khuyến khích vào những ngành, khu vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý, trước hết là sớm hoàn thành Quy hoạch điện VII, điều chỉnh Quy hoạch ngành thép, hoàn thành quy hoạch boxit...

Tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các Tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước. Các Tập đoàn, TCT nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường công tác tự kiểm tra của các Tập đoàn, các TCT, cũng như tăng cường thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Các Tập đoàn, TCT nhà nước phải tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh chính và thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, quản lý; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; phát triển hình thức đào tạo theo hợp đồng.

Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính và Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2011 của Bộ.

Nhiều ý kiến tâm huyết của các tập đoàn, tổng công ty lớn

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn và tổng công ty lớn đã có ý kiến về giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011. Dưới đây, Báo Công Thương điện tử xin trích đăng một số ý kiến:

Ông Đặng Hoàng An- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):

Dự báo, năm 2011 khô hạn vẫn diễn ra trên diện rộng, đây là khó khăn cơ bản của ngành điện. Đến giờ này đã hết mùa tích nước, nhiều hồ lớn không tích đủ nước trong khi lượng nước cần có là 2,9 tỷ m3. Đây là năm đầu tiên lượng nước ở các sông thấp nhất.

EVN đang tập trung các giải pháp trong năm 2011: đẩy nhanh các dự án điện, 6 tháng đầu năm đưa vào hoạt động tổ máy của Sơn La, Đồng nai 3, Yuna nak để được khoảng 1.000kwh; các dự án nhiệt điện than cũng sẽ được trưng dụng các tổ máy

Bố trí lại lịch sửa chữa, đảm bảo nhập khẩu điện một cách tối đa. Huy động tối đa các nguồn điện giá cao như than, dầu... Đồng thời, EVN cũng đang tăng cường chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, đặc biệt là ở một số ngành lớn như thép, xi măng. EVN sẽ phấn đấu tối đa đảm bảo đủ điện, trước mắt là tháng 1 và quý 1 sẽ đảm bảo đủ diện cho tết và các ngày lễ, đại hôi. Đảm bảo xả nước cho nông nghiệp. Tuy nhiên, việc cân đối điện chỉ có thể đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: phải có kế hoạch, đảm bảo cung ứng cho sản xuất, phải có dự phòng, hạn chế cung cấp cho những dịch vụ xa xỉ như sục bể bơi nước nóng.. Tăng trưởng gấp 2 về điện mới có thể đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất, như vậy thì rất cần tiết giảm. Cần đưa ra áp lực để cải tiến, đổi mới cho sản xuất, tiêu dùng trong sử dụng điện để hình thành một nền kinh tế hiện đại. Ví dụ đến 2020 làm sao tỷ lệ phát triển điện với nền kinh tế là 1-1. Tăng giá thì không thể tăng mãi được.

EVN cho rằng cần tiết kiệm điện. Với sự nỗ lực của evn, của các ngành khác và chung tay của xã hội thì có thể đảm bảo điện cho năm nay.

Ông Trần Xuân Hòa- Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV):

Hiện nay, an toàn trong sản xuất là việc rất quan trọng. Tính ra, cứ 1 triệu tấn than mất một mạng người- đây là thiệt hại nặng nề nhất của ngành than trong năm qua. 90% nguyên nhân là do lỗi của người lao động, ý thức kỷ luật lao động của công nhân mỏ chưa cao do phải tuyển lao động từ các vùng xa. Để giảm tai nạn hầm lò, TKV đã đầu tư thiết bị cảnh báo hầm lò tự động. TKV đề nghị được thực hiện lưới điện riêng để đảm bảo phục vụ sản xuất, cứu hộ.

Ông Hòa kiến nghị, Nhà nước cho phép TVK xuất khẩu than cám điện năng (than loại 6-7) vì hiện tổng dự trữ kho là 6,5 triệu tấn; nếu không được XK thì năng lực sản xuất sẽ giảm, không đủ than cho xi măng sản xuất. Nếu chỉ sản xuất ít, lại không được tăng giá thì ngành than sẽ lỗ trên 5.000 tỷ, 30.000 lao động không có việc làm.

Cần cho TKV tiếp tục được thực hiện bán than theo giá thị trường bởi theo lộ trình quy hoạch mà tập đoàn đã thông báo thì đến năm 2015 những loại than mà TVK xuất khẩu trong nước vẫn chưa có nhu cầ, trong khi để đảm bảo kế hoạch khai thác đến 2015 ngành than cần 39 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư.

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex):

Thực hiện nhiệm vụ 2010, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu được trên 12 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, về trước kế hoạch kim ngạch đề ra 4 năm, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 trong các nước xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới. Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 18-20 tỷ USD. Riêng trong năm 2011, phấn đấu kim ngạch đạt 12,7 – 12,9 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam tập trung vào 7 giải pháp cụ thể:

Tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất sơ phục vụ dệt vải. Tháng 7/2011, sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất sơ Đình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến đến 2014, ngành sơ sẽ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu trong nước. Hiện Tập đoàn định hướng và đang tiến hành khảo sát để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất loại sơ pisco – loại sơ có nguồn gốc từ bột cây nguyên liệu giấy (bạch đàn, thông…). Để có nguồn nguyên liệu, hiện Tập đoàn đang xúc tiến dự án trồng rừng tại Lào, tới đây sẽ tiếp tục khảo sát tại Campuchia và Canada để trồng rừng làm nguyên liệu cho sản xuất sơ pisco.

Tập đoàn cũng đã và đang đầu tư xây dựng một số nhà máy sợi tại Nghệ An, Đã Nẵng, Bình Định, Đồng bằng Sông Cửu Long (Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh). Ngoài ra, tập đoàn đầu tư 5 khu công nghiệp có xử lý nước thải để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may. Mới đây đã giải phóng mặt bằng tại Hưng Yên. Tiếp tục đầu tư và dịch chuyển các nhà máy sản xuất về vùng nông thôn để tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.

Triển khai chương trình tránh rào cản thương mại, tập đoàn đã xây dựng phòng kiểm nghiệm sinh thái để kiểm tra đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm dệt may. Hiện, Mỹ là đối tác lớn nhất của dệt may Việt Nam, chiếm tới 55% sản phẩm dệt may xuất khẩu. Tập đoàn Dệt may đang tiến hành làm việc với đối tác Mỹ để họ xác nhận chất lượng, tiêu chuẩn của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam.

Để chiếm lĩnh thị trường trong nước, tập đoàn tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống của hàng, siêu thị tại hầu hết các tỉnh, thành (hiện có 58 siêu thị) để chiếm lĩnh thị trường nội địa, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam. Định hướng chiến lược sản xuất các sản phẩm cao cấp, tới đây, tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất Veston ở miền Bắc và miền Trung để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động, đồng thời chăm lo đời sống cho người lao động, không thực hiện làm thêm giờ, giãn ca trong thời gian tới.

Ông Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do (TTP) để mở rộng thị trường cho ngành dệt may. Ưu tiên cấp điện, ổn định cho ngành dệt may vì mất điện đột ngột gây thiệt hại rất lớn, chẳng hạn khi một mẻ nhuộm mấy trăm mét vải đang hoạt động, nếu mất điện là phải loại bỏ hết. Để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu, Ngành Hải quan cần tiếp tục triển khai Hải quan điện tử toàn diện để rút ngắn thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Tài Chính cần phối hợp thực hiện tốt Quyết định 336 TTg về phát triển ngành dệt may. Và quyết định 86 của TTg về việc di chuyển các nhà máy ra ngoài thành. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm dệt may Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex):

Trong năm 2010 hầu hết chỉ tiêu đều hoàn thành. Trong đó, tổng doanh thu đạt 138 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 23.800 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt 2.400 tỷ đồng- đây là chỉ tiêu duy nhất không đạt kế hoạch do ảnh hưởng kết quả kinh doanh xăng dầu. Riêng đối với chỉ tiêu tài chính kinh doanh xăng dầu, Petrolimex chưa biết hạch toán thế nào, vì còn chờ vào việc hướng dẫn hạch toán của Bộ Tài chính. Năm 2010, Petrolimex đảm bảo cung ứng nhu cầu xăng dầu với giá cả ổn định.

Theo ông Bảo, năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 84/ 2009/NĐ-CP theo cơ chế thị trường, đây cũng là năm giá cả thay đổi ít nhất, chỉ điều chỉnh giá 4 lần (2 lần tăng, 2 lần giảm giá). Nhưng cũng chính vì không được điều chỉnh giá theo thị trường thế nên đây chính là yếu tố không thể thực hiện theo Nghị định 84, nhất là việc thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Vì là năm đầu nên sự chuẩn bị để xăng dầu kinh doanh theo giá thị trường, nên hầu hết các bộ quản lý chưa chuẩn bị kỹ hướng dẫn để nghị định vận hành nên việc điều hành rất lúng túng, như việc sử dụng quỹ bình ổn giá thế nào, bù giá từ quỹ bình ổn đến mức nào… đều không hướng dẫn rõ ràng.

Cũng chính vì Nghị định 84 không vận hành được nên ngoài áp lực giá không theo cơ chế thị trường còn có áp lực không xăng dầu bị xuất lậu qua biên giới rất lớn. Thậm chí còn lớn hơn những năm trước. Cụ thể trước đây, xăng dầu chỉ thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia, nhưng nay do giá diezen và xăng tại Việt Nam chênh lệch với giá xăng dầu Trung Quốc rất lớn nên xảy ra hiện tượng thẩm lậu xăng dầu trên toàn bộ các tuyến biên giới.

Hiện nay kinh doanh xăng, dầu lỗ khoảng 2.400 đồng/lít. Vì thế ông Bảo cho rằng, nếu không áp dụng triệt để kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường thì áp lực bù lỗ cho xăng dầu rất lớn, vì quỹ bình ổn không thể đạt 5-6 ngàn tỷ đồng để bù cho lỗ kinhh doanh xăng dầu, và có có thể gây hiện tượng khan ảo nguồn cung như năm 2008. Vì các đầu mối không nhập nên áp lực đổ dồn cho Petrolimex.

Ông Bảo kiến nghị: Nhà nước và Chính phủ nên kiên định thực hiện Nghị định 84, vận hành kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường; có hướng dẫn và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn, không để xảy ra việc dùng quỹ bình ổn để bù lỗ như hiện nay, bởi vì việc sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay ngày càng xa mục đích như Nghị đinh 84 đặt ra. Đây là quan ngại rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông Bảo cũng cho biết, năm 2010 sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ khiến Petroliemx lỗ hơn 700 tỷ đồng. Ông Bảo gọi năm 2010 là năm dị biệt vì tổng công ty gửi ngân hàng đến 5-6 nghìn tỷ đồng nhưng ngân hàng không có ngoại tệ để bán, buộc Petrolimex phải vay hàng trăm triệu USD.

Vì thế, nếu thực hiện triệt để Nghị định 84, đề nghị Chính phủ, ngân hàng, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được mua ngoại tệ theo giá thị trường, và tỷ giá đó được phép tính vào giá bán xăng dầu. Biên pháp này sẽ giảm áp lực cho ngân hàng phải bán ngoại tệ cho doanh nghiệp, đồng thời giảm áp lực cho doanh nghiệp vì phải trả lãi vay và rủi ro khi tỷ giá ngoại tệ thay đổi.

Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đầu mối khác đảm bảo nhập đủ xăng dầu, không để xảy ra như hiện nay áp lực dồn sang Petrolimex, trong lúc thị phần của Petrolimex khoảng 50-55%, nếu có cố lắm cũng chỉ trên 60%. Đồng thời cần chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới bán lẻ ở các tỉnh. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có mạng lưới trực tiếp đảm bảo trên 20% thị phần của mình , tránh phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống đại lý, gây bất ổn khi thị trường khó khăn.

Lê Văn Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh:

Chương trình bình ổn giá giúp TP. Hồ Chí Minh duy trì chỉ số CPI dưới 10%.

Năm 2010, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh không chỉ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra mà còn quan tâm đúng mức đến vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, đạt hiệu quả cao nhất là việc thực hiện chương trình bình ổn giá, quản lý thị trường.

Theo đó, trong năm 2010, ngành Công thương TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả chương trình bình ổn giá do UBND thành phố phê duyệt, với các mặt hàng, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thịt gia xúc, gia cầm, rau, củ quả các loại. Đây là những mặt hàng này chiếm khoảng 40% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong năm 2010, Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện chương trình bình ổn giá nhân ngày tựu trường, với 3 mặt hàng, vở viết, cặp sách và đồng phục học sinh. Chương trình đặc biệt này đã được phụ huynh học sinh đánh giá cao.

Thực hiện chương trình bình ổn giá trong năm 2010 có 14 doanh nghiệp tham gia. Đây đều là các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe, như: là đơn vị kinh doanh chuyên ngành các mặt hàng lương thực, thực phẩm; là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường; có năng lực tài chính; có hệ thống phân phối hoạt động ổn định; có phương án sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn hàng bình ổn khả thi…

Trong năm 2010, thành phố đã ứng 380 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia chương trình. Các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện trữ hàng với lượng hàng chiếm khoảng 15% thị phần trên thị trường. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng bình ổn giá chiếm khoảng 30-40% nhu cầu.

Theo ông Khoa, chương trình bình ổn giá đã khẳng định được sức lan tỏa, định hướng thị trường. Chương trình cũng được xem là một trong những công cụ điềut iết giá khá hiệu quả. Với lượng hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, chương trình đã giúp từng bước Hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, với Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình đã giúp giảm chỉ số CPI của thành phố năm 2010 ở mức 9,38%. Chương trình còn là cách thức gián tiếp giúp các doanh nghiệp trong nước thâm nhập, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa.

Trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn chương trình bình ổn giá với nhiều giải pháp sâu, sát và chủ động hơn. Riêng dịp Tết nguyên đán, bên cạnh các của hàng, điểm bán hàng bình ổn giá, ngành Công thương sẽ cùng các doanh nghiệp sẽ tổ chức 300 đoàn bán hành lưu động đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, xã, vùng khó khăn của thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Ngành công thương đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lời chúc mừng đến toàn ngành công thương. Phó Thủ tướng đánh giá: Năm 2010, ngành công thương đã có những đóng góp tích cực, quan trọng và khá toàn diện vào các mặt hoạt động của đất nước, vào việc nâng cao công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước về số lượng và chất lượng; mở rộng các quan hệ quốc tế. nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ công thương cả nước. Năm 2010, ngành công thương đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, công nghiệp tawmg trưởng cao, xuất khẩu và thị trường trong nước đều có những con số đẹp, nhiều công trình và dự án quan trọng đóng góp cho nền kinh tế đều được hoàn thành.

Chúng ta phải thấy rằng đây là thành tích lớn, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển sau 10 năm. Thế giới hiện xếp Việt Nam vào nước đang phát triển và phát triển nhanh, là nước mới nổi,

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tuy nhiên, có 2 thách thức lớn: cơ cấu kinh tế chưa thật vững, hiệu quả chưa cao, mất cân đối và tính hiệu quả của nền kinh tế nội địa chưa tốt. Do vậy, giai đoạn hội nhập quốc tế vừa phải cạnh tranh trên sân nhà và sân khách thì bộc lộ sức cạnh tranh còn hạn chế. Do vậy, việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập còn khó khăn.

Chúng ta đứng về sản xuất, kinh doanh có thể nói năm sau cao hơn năm trước, số lượng đều có kết quả tốt nhưng cân đối về chất lượng thì còn nhiều điểm đáng bàn. Như sản xuất điện vẫn còn yếu, xăng dầu vẫn phải nhập chưa sản xuất đủ trong nước, an ninh năng lượng là vấn đề nóng. Phân bón, thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật cũng còn thiếu; công nghiệp máy móc, thiết bị, cơ khí vẫn cơ bản phải nhập khẩu từ máy xây dựng tới máy móc khai khoáng, kể cả một số ngành đã nội địa hóa nhưng vẫn rất ít. Các sản phẩm hóa chất phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, loại cơ bản, vẫn phải nhập khẩu. Ngành dệt may phát triển như vậy mà cũng phải nhập nhiều máy móc. Như vậy, phải đặt câu hỏi, ngành cơ khí của VN đã phát triển đáp ứng cho nền kinh tế chủ động hội nhập quốc tê hay chưa? Khoảng 90% NK là vật tư, thiết bị, máy móc phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu. Chúng ta XK được 11,2 tỷ USD hàng may mặc nhưng nhập bao nhiêu tỷ USD? sản xuất ra thép nhưng phải nhập phôi, phôi ngốn rất nhiều điện… chưa kể các thiết bị của ngành xây dựng, phục vụ nông nghiệp, dược phẩm. Nguyên liệu sản xuất dược phẩm VN phục vụ dược hơn 50% nhưng có tới 95% của số đó lại từ nhập khẩu. Điều này khiến ta chưa thể hoàn toàn yên tâm chủ động hội nhập khi thế giới có những biến động.

Chất lượng của những sản phẩm VN làm ra, kể cả là hàng có nguyên liệu nhập khẩu, phục vụ sản xuất, thị trường đã thực sự đảm bảo chất lượng chưa? Đó chưa phải là những công nghệ nguồn, sản phẩm tốt và có giá cả hợp lý. Ví dụ điển hình là VN có tốc độ phát triển nhanh như vậy nhưng lại tiêu thụ điện rất nhiều. vì đó là nhập khẩu công nghệ lạc hậu, chưa có cơ cấu hợp lý. Nếu giả sử giảm được 10-15% sản lượng điện cần thiết , kể cả thiết bị tiêu dùng thì có thể tiết kiệm được 10-15 tỷ kwwh/năm, bằng công suất của 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Một nền kinh tế mà cả sản xuất và tiêu dùng xài điện ghê gớm như vậy thì là phát triển không bền vững, không thể đáp ứng kịp, nước đâu để chạy thủy điện, gió đâu để làm phong điện, vốn đâu ra? Tăng trưởng ngành điện 15-16%/năm nhưng cũng không thể đáp ứng cho nền kinh tế. Khả năng chỉ có vậy nên dẫn tới câu chuyện NK nhiều, thiếu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá, lãi suất và tạo ra tăng giá. Đây thực sự là một vòng luẩn quẩn chưa gỡ được. Tăng trưởng về số lượng mà không đi với chất lượng là không được.

Theo Phó Thủ tướng, công nghiệp hóa phải hướng tới các ngành kinh tế, đặc biệt chú ý tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Làm cho lợi ích của đại bộ phận dân số ở đây thì mới kết hợp được với khu đô thị, công nghiệp được phát triển hài hòa. Cần phải có cơ cấu kinh tế hợp lý vào các ngành.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, riêng bộ Công Thương có 5/10 tập đoàn lớn nhất của đất nước: điện, than, dầu khí, dệt may và hóa chất cùng các tổng công ty là những anh “cả đỏ” nên phải tính tới cơ cấu sản xuất và đầu tư của các đơn vị này. Làm sao đến 2020 để có được một nền kinh tế tự chủ, cán cân xuất nhập khẩu phải tương ứng, có những ngành hàng mũi nhọn, chủ động được tài chính, cân đối được cán cân thanh toán.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ kế hoạch và đầu tư rà soát lại danh mục đầu tư để cơ cấu lại danh mục đầu tư hợp lý theo hướng đảm bảo chất lượng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường nội địa, đồng thời quan tâm đến việc mở rộng thị trường quốc tế. “Cần đặc biệt quan tâm thị trường quốc tế, làm chủ và đứng vững trên thị rường nội địa để xuất nhập khẩu những mặt hàng cần thiết.”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Công Thương nâng cấp chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của ngành; mở rộng hệ thống đào tạo của ngành. Đồng thời, Bộ Công Thương cần đặc biệt quan tâm tới chức năng quản lý của mình, làm tốt vai trò quản lý nhà nước của ngành, tham mưu nghiên cứu đưa ra được hệ thống luật pháp trong lĩnh vực này phát triển thuận lợi và tốt đẹp…

Thanh Hương-Kim Liên- Hoàng Châu-Thùy Linh

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội